Hướng dẫn sử dụng hàm IFERROR trong excel

Hàm IFERROR trong Excel sẽ trả về kết quả do chúng ta chỉnh định nếu công thức xảy ra lỗi. Và ngược lại, hàm IFERROR sẽ trả về kết quả của công thức như bình thường.

Mục đích

Bắt và xử lý lỗi nếu xảy ra.

Công thức

=IFERROR(value, value_if_error)

Trong đó:

+ value: giá trị, tham chiếu hay là một công thức.

+ value_if_error: giá trị được trả về nếu có lỗi xảy ra.

Lưu ý khi sử dụng hàm IFERROR trong Excel

Hàm IFERROR sẽ “bắt” lỗi trong phép toán và sẽ trả về giá trị thay thế được chỉ định khi có lỗi xảy ra.

Hàm IFERROR sẽ “bắt” những lỗi sau: #N/A, #VALUE!, #REF!, #DIV/0!, #NUM!, #NAME?, hay #NULL!.

Nếu giá trị value rỗng, hàm IFERROR sẽ xem như đó là một chuỗi rỗng, phông phải lỗi.

Nếu giá trị value_if_error được cung cấp là một chuỗi rỗng, thì khi xảy ra lỗi, không có kí tự nào được hiển thị.

Nếu hàm IFERROR được nhập vào dưới dạng một mảng các công thức, nó sẽ trả về một mảng các kết quả. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về mảng công thức tại đây.

Từ Excel 2013 trở về sau, chúng ta có thể dùng hàm IFNA function để “bắt” lỗi #N/A.

Ví dụ

Để hiểu rõ hơn về hàm IFERROR, chúng ta cùng nhau tìm hiểu thông qua 2 ví dụ bên dưới nhé.

Ví dụ #1

Giả sử ô A1 chứa số 10, ô B1 trống và ô C1 chứa công thức =A1/B1, nếu theo công thức trên chắc chắn thì excel sẽ báo lỗi #DIV/0!. Trong trường hợp này, nếu chúng ta dùng hàm IFERROR thì có thể viết lại như sau:

=IFERROR(A1/B1,”Đã có lỗi xảy ra”)

Theo công thức trên thì thay vì sẽ xảy ra lỗi #DIV/0! như lúc đầu. Thì bây giờ, sẽ thay bằng câu “Đã có lỗi xảy ra”.

Công thức trên có thể hiểu bằng lời như sau: Nếu có lỗi xảy ra khi thực hiện phép tính A1/B1 thì hãy hiển thị chữ “Đã có lỗi xảy ra”. Ngược lại, nếu không có lỗi thì trả về kết quả của phép tính A1/B1 như bình thường.

Ví dụ #2

Trong ví dụ #1, chúng ta đã tìm hiểu cách sử dụng hàm IFERROR độc lập. Trong ví dụ #2 này, bạn sẽ thấy được cách kết hợp giữa hàm này với hàm VLOOKUP để bắt lỗi #N/A của hàm VLOOKUP khi hàm này không tìm thấy giá trị. Đối với bạn nào chưa biết về hàm VLOOKUP thì có thể tìm hiểu tại đây.

=IFERROR(VLOOKUP(value, data, column,0), “Không tìm thấy giá trị cần tìm”)

Công thức trên có thể diễn đạt bằng lời nói như sau: Nếu hàm VLOOKUP thực hiện thành công thì hàm IFERROR sẽ trả về giá trị mà hàm VLOOKUP trả về. Ngược lại, nếu hàm VLOOKUP xảy ra lỗi #N/A (không tìm được giá trị) thì hàm IFERROR sẽ trả về chữ “Không tìm thấy giá trị cần tìm”.

Hi vọng thông qua ví dụ đơn giản trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng hàm IFERROR trong Excel. Nếu có gì không hiểu hay muốn hỏi thì các bạn cứ chat trực tiếp trên website này nhé, mình sẽ giải thích cho các bạn rõ hơn.

Xem thêm:

Học nhanh hàm VLOOKUP trong Excel 

Hướng dẫn sử dụng hàm IF trong Excel

Hướng dẫn sử dụng hàm SUMIFS trong Excel

Hướng dẫn sử dụng hàm COUNTIF trong Excel

Hướng dẫn sử dụng hàm IFNA trong Excel

Hướng dẫn sử dụng hàm IFS trong Excel

Link microsoft IFERROR (Hàm IFERROR)